Bối cảnh của Nội chiến Tây Ban Nha

Mầm mống của cuộc Nội chiến Tây Ban Nha bắt nguồn từ cuối thế kỷ 19, khi các địa chủ lớn, gọi là latifundios, nắm giữ hầu hết quyền lực trong một thể chế quyền lực tập trung dựa trên đất đai. Quyền lực của họ bị thách thức bởi các ngành công thương nghiệp, nhưng bất thành. Vào năm 1868, các cuộc nổi dậy của quần chúng đã lật đổ Nữ hoàng Isabel II của Vương tộc Bourbon. Năm 1873, người kế nhiệm Isabel, Vua Amadeo I của Vương tộc Savoia, thoái vị do áp lực chính trị ngày càng gia tăng, và Đệ Nhất Cộng hòa Tây Ban Nha được thành lập. Sau khi Vương tộc Bourbon được khôi phục vào tháng 12 năm 1874, những người theo phong trào Carlos (Carlismo) và những người theo chủ nghĩa vô trị nổi lên đối lập với chế độ quân chủ. Alejandro Lerroux đã góp phần đẩy chủ nghĩa cộng hòa lên cao trào ở Catalonia, nơi tình hình đói nghèo đặc biệt nghiêm trọng. Sự bất mãn với chế độ quân dịch và quân đội ngày càng gia tăng, lên đến đỉnh điểm là Tuần lễ bi thảm ở Barcelona vào năm 1909. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, giai cấp công nhân, giai cấp công nghiệp và lực lượng quân đội hợp sức với hy vọng lật đổ chính quyền trung ương, nhưng bất thành. Nỗi sợ hãi về chủ nghĩa cộng sản ngày càng lớn. Năm 1923, một cuộc đảo chính quân sự đưa Miguel Primo de Rivera lên nắm quyền, người đã cai trị Tây Ban Nha như một chế độ độc tài quân sự. Sự ủng hộ đối với chế độ của Miguel Primo de Rivera giảm dần và ông từ chức vào tháng 1 năm 1930. Chế độ quân chủ có rất ít sự ủng hộ ở các thành phố lớn, và Vua Alfonso XIII thoái vị. Đệ Nhị Cộng hòa Tây Ban Nha được thành lập, quyền lực của chính quyền này sẽ tiếp tục duy trì cho đến đỉnh điểm của cuộc Nội chiến Tây Ban Nha. Những người theo chủ nghĩa quân chủ tiếp tục chống lại nền Cộng hòa.Ủy ban cách mạng do Niceto Alcalá-Zamora đứng đầu trở thành chính phủ lâm thời, với Zamora là Tổng thống và nguyên thủ quốc gia.[1] Nền cộng hòa nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ tất cả các thành phần xã hội; trong cuộc bầu cử tháng 6 năm 1931, những người theo phe Cộng hòa và Xã hội chủ nghĩa giành thắng lợi áp đảo. Khi cuộc Đại khủng hoảng diễn ra, chính phủ cố gắng hỗ trợ vùng nông thôn Tây Ban Nha bằng cách thiết lập ngày làm việc tám tiếng và trao đất cho nông dân. Cải cách ruộng đất và điều kiện lao động vẫn là những vấn đề quan trọng trong suốt quãng thời gian tồn tại của nước Cộng hòa. Chủ nghĩa phát xít vẫn là một mối đe dọa, được hỗ trợ bởi những cải cách gây tranh cãi đối với quân đội. Vào tháng 12, một hiến pháp mới theo chủ nghĩa cải cách, tự do và dân chủ được công bố. Bản hiến pháp mới đã thế tục hóa chính phủ, và điều này cùng với việc chậm phản ứng trước làn sóng bạo lực chống giáo sĩ đã khiến những người Công giáo tận tụy trở nên vỡ mộng với chính phủ liên minh đương nhiệm.[2] Vào tháng 10 năm 1931, Manuel Azaña trở thành Thủ tướng của một chính phủ thiểu số. Phe cánh hữu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1933 sau cuộc nổi dậy thất bại của Tướng José Sanjurjo vào tháng 8 năm 1932, người sau này sẽ dẫn đầu một cuộc đảo chính châm ngòi cho cuộc nội chiến.Các sự kiện trong khoảng thời gian sau tháng 11 năm 1933, được gọi là "hai năm đen tối", dường như làm cho một cuộc nội chiến dễ xảy ra hơn. Alejandro Lerroux của Đảng Cộng hòa Cấp tiến (Partido Republicano Radical, viết tắt là RRP trong tiếng Anh) thành lập một chính phủ với sự hỗ trợ của Liên đoàn Quyền tự trị Tây Ban Nha (Confederación Española de Derechas Autónomas, CEDA) và đảo ngược lại tất cả những thay đổi lớn của chính phủ trước đó, cũng như ân xá cho José Sanjurjo, người đã âm mưu một cuộc đảo chính bất thành vào năm 1932. Một số người theo chủ nghĩa quân chủ đã tham gia tổ chức phát xít Falange Española để đạt được mục đích của mình. Bạo lực công khai diễn ra trên đường phố của các đô thị Tây Ban Nha và giao tranh tiếp tục gia tăng cho đến khi cuộc nội chiến bùng nổ, phản ánh một xu hướng biến động cấp tiến thay vì hướng tới các biện pháp dân chủ ôn hòa như một giải pháp cho các vấn đề của Tây Ban Nha. Trong những tháng cuối năm 1934, hai cuộc sụp đổ chính phủ đã đưa các thành viên của CEDA vào nội các, khiến chính phủ trở nên thiên hữu hơn. Thu nhập của nông dân bị giảm một nửa, quân đội thanh trừng các thành viên Cộng hòa và cải tổ. Một Mặt trận Nhân dân được thành lập và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1936. Azaña lãnh đạo một chính phủ thiểu số yếu, nhưng sớm thay thế Zamora làm Tổng thống vào tháng Tư. Thủ tướng Casares phớt lờ những cảnh báo về một âm mưu quân sự liên quan đến một số tướng lĩnh, những người cho rằng cần phải thay đổi chính phủ nếu muốn ngăn chặn được sự tan rã của Tây Ban Nha. Những người này tổ chức một cuộc đảo chính quân sự vào tháng 7, khởi đầu cho cuộc Nội chiến Tây Ban Nha.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bối cảnh của Nội chiến Tây Ban Nha //www.amazon.com/dp/B0014JCVS0 http://findarticles.com/p/articles/mi_qa3736/is_20... http://www.historytoday.com/paul-preston/franco-an... http://libro.uca.edu/payne2/payne25.htm http://www.cambridge.org/us/academic/subjects/hist... http://www.marxists.org/archive/trotsky/1936/04/sp... //www.worldcat.org/oclc/395987 //www.worldcat.org/oclc/94892517 //www.worldcat.org/oclc/95360332 https://books.google.com/books?id=4c4F7KM9UE8C&q=h...